Phát triển những “thành phố nuôi trên biển”, tại sao không?

Lĩnh vực nuôi biển được Đảng, Chính phủ xác định là động lực phát triển kinh tế với nhiều chính sách đã được ban hành. Việc chuyển đổi sang nuôi hải sản xa bờ, phát triển quy mô công nghiệp, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam được xem là xu hướng tất yếu.

Nửa triệu héc-ta mặt nước có thể “nuôi biển”

Nói về tiềm năng nuôi biển của Việt Nam, ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam có 3.260km bờ biển và 1 triệu kilomet mặt biển. Cục Thuỷ sản đánh giá có khoảng 500.000ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn.

Trên thực tế, có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển, nhưng có thể tạm chia thành các vùng chính như sau. Thứ nhất vùng phía Bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác. Vùng thứ 2 là Duyên hải miền Trung, ở vùng này có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn. Vùng thứ 3 là Đông Nam Bộ và vùng thứ 4 là Tây Nam Bộ.

 

Đối tượng nuôi biển hiện nay cũng khá phong phú, đa dạng. Từ các loại cá đến các loại nhuyễn thể (ngao, sò, hàu…), giáp xác (tôm hùm…) đến nhóm thứ 4 là nhóm rong biển cũng đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển. Bên cạnh đó, nuôi biển còn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua hàng loạt các chính sách, chủ trương. 

Việt Nam phấn đấu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha với 10 triệu m3 lồng nuôi; sản lượng khoảng 850.000 tấn; giá trị xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha với 12 triệu m3 lồng nuôi; sản lượng 1,45 triệu tấn và giá trị xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD.  

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, chúng ta có nhiều thuận lợi, có thể khai thác nghề nuôi biển không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh đó là một số khó khăn song hành, mà điều đầu tiên là quy mô sản xuất, khi 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên sản xuất phải lo từ cá giống, lồng bè, dịch bệnh, bán cá…

 

Thách thức thứ 2 là phương thức, do quy mô hộ gia đình nên sức đầu tư vào trại nhỏ, mức độ cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật yếu, phần lớn các bè nuôi thủ công, tận dụng các vật liệu, trong đó có vật liệu có thể gây hại môi trường. Thứ 3 là vấn đề hệ thống, các chuỗi nuôi biển đang manh nha nhưng nhỏ, chưa có sự kết nối.

“Mặc dù các bè nuôi của bà con trị giá hàng tỷ đồng nhưng Nhà nước, ngân hàng không công nhận đó là tài sản. Vì không có cơ quan nào xác định, đánh giá là tài sản nên bà con vẫn gặp khó khăn khi vay vốn hay tiếp cận bảo hiểm, cũng như các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước…” - Ông Nguyễn Hữu Dũng nói về thách thức thứ 4.

Cần thêm chính sách hỗ trợ kỹ thuật

Trao đổi về công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nuôi trồng thủy sản trên biển, ông Đặng Xuân Trường - Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) cho biết thời gian qua, thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án số 1664/ĐA-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, đơn vị đã tập trung liên kết với các viện, trường có công nghệ tốt nhất chuyển giao kỹ thuật nuôi biển cho bà con. Nhiều mô hình đã triển khai tại Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kiên Giang, và đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ bà con tại Ninh Thuận, Bình Thuận...

Hiệu quả của các mô hình đã được truyền thông và được tổ chức tham quan chéo để bà con nông dân học tập. “Các mô hình mà chúng tôi đã và đang triển khai thời gian qua đều hướng đến các sản phẩm nuôi có giá trị kinh tế cao, như cá song, cá giò, tôm hùm, giáp xác, nhuyễn thể… Nhờ các hoạt động khuyến nông đó, diện tích nuôi biển chuyển sang công nghệ mới đang ngày càng tăng” - Ông Đặng Xuân Trường chia sẻ.

Việt Nam phấn đấu giá trị xuất khẩu ngành nuôi biển đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng thẳng thắn cho biết hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, yếu tố đầu tiên là các công nghệ, từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu về đến dân sao cho tốt nhất còn gặp nhiều trở ngại, bởi lẽ không phải công nghệ nào cũng phù hợp với điều kiện đầu tư của bà con, với từng vùng miền. Do vậy, Trung tâm Khuyến nông vẫn đang đặt hàng các viện nghiên cứu để hỗ trợ bà con.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Group cho biết, chính quyền và doanh nghiệp hướng người nông dân làm chuỗi, nhưng thực tế việc quản lý thói quen của bà con lại rất khó khăn. Chính vì vậy thời gian tới, công ty mong muốn có một sự tổng hợp của cơ chế chính sách, kèm theo tiêu chuẩn kỹ thuật giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng nuôi biển.

Nói về các giải pháp thúc đẩy nuôi biển bền vững, ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước thời gian qua rất quan tâm đến vấn đề nuôi biển, chủ trương là giảm khai thác tăng nuôi, nuôi biển chứ nuôi nội địa đã ở mức trần.

“Chúng tôi mong muốn Việt Nam có những “thành phố nuôi trên biển”. Ở đó, các lồng bè xếp đều nhau như một thành phố trên biển. Nuôi trồng thủy sản biển như vậy mà kết hợp được với du lịch là điều tuyệt vời. Để làm được điều này, các tỉnh, TP cần sớm có giải pháp phát triển hài hòa du lịch và nuôi thủy sản biển...” - Ông Trần Công Khôi nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Cục Thuỷ sản, chính sách cơ bản đã có. Thực tế là chúng ta đang tiến hành cùng các tổ chức đơn vị, cá nhân chuyển đổi nghề cho bà con khai thác ven bờ. Với tiềm năng khai thác biển từ 3,9 - 4 triệu tấn thì Việt Nam đã khai thác đạt 3,6 triệu tấn, đến sát ngưỡng rồi nền việc giảm khai thác ven bờ là tất yếu, và không gì có thể thay thế nó bằng nuôi trồng thủy sản mang tính cộng đồng.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Email Gọi ngay Facebook
Facebook Chat Icon Xin chào!
Mình có thể giúp gì bạn
hiephoinuoibienvietnam